Thời kỳ trị vì cuối Lương_Vũ_Đế

Trong bối cảnh Bắc Ngụy bị phân liệt thành Đông NgụyTây Ngụy, Lương Vũ Đế trong vài năm đầu vẫn tiếp tục phái quân đi lấn chiếm các lãnh thổ nhỏ ở biên giới, chống lại cả Đông Ngụy và Tây Ngụy. Trong suốt thời gian cai trị của mình, Lương Vũ Đế đã quá khoan dung cho các người thân và đại thần cao cấp, song xu hướng này càng trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối thời gian trị vì của ông. Các hoàng tử của ông đều được phong vương và họ ngày càng trở nên bất phục tùng triều đình trung ương, thường tự hành động tại các lãnh địa của họ.

Năm 537, Lương Vũ Đế thực hiện chính sách hòa hoãn với Đông Ngụy, và sứ giả hai bên thường xuyên thăm viếng lẫn nhau. Lương Vũ Đế không có thỏa thuận hòa bình chính thức với Tây Ngụy, và giữa hai bên đã xảy ra một vài xung đột biên giới sau thời điểm này. Với việc Đông Ngụy và Tây Ngụy tiến đánh lẫn nhau, Lương được hưởng tình trạng thái bình. Sau khi Chu Xả (周捨) mất vào năm 524 và Từ Miễn (徐勉) mất vào năm 535, Lương Vũ Đế giao phần lớn việc triều chính cho Chu Dị (朱异) và Hà Kính Dung (何敬容). Do Hà Kính Trung là người liêm chính song thiếu kỹ năng chính trị, Chu Dị trên thực tế đã giữ vai trò giống như thừa tướng, nắm giữ đại quyền và tích lũy tài phú. Mặc dù Chu Dị khéo léo và có tài, song ông cũng bị đánh giá là tham nhũng và đố kỵ với người khác. Quyền lực của Chu Dị càng được củng cố khi Hà Kính Dung bị bãi chức vào năm 544 do một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến người thân của tiểu thiếp.

Năm 539, dựa trên đề xuất của Chu Dị, Lương Vũ Đế tiến hành tái tổ chức các đơn vị cấp châu, phân các châu thành 5 hạng dựa trên quy mô lãnh thổ và dân số. Sau khi tái tổ chức, Lương có tổng cộng 108 châu (20 châu hạng nhất, 10 châu hạng hai, 8 châu hạng ba, 23 châu hạng bốn, và 21 châu hạng năm).

Năm 541, người dân Giao châu (交州, trị sở nay thuộc Hà Nội, Việt Nam) bất mãn trước sự cai trị tàn bạo của thứ sử Vũ Lâm hầu Tiêu Tư (蕭諮)- cháu trai của Lương Vũ Đế- nên đã tiến hành nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Lý Bí. Quân Lương đã không thể nhanh chóng dập tắt cuộc nổi dậy của Lý Bí, và Lý Bí cuối cùng đã tuyên bố mình là hoàng đế của nước Vạn Xuân vào năm 544. Quân Lương đã không thể đánh bại hoàn toàn Lý Bí cho đến năm 548.

Năm 545, một hạ thần chính trực là Hạ Sâm (賀琛) đã dâng một sớ tấu lên Lương Vũ Đế để nêu ý kiến: các quan lại ở các châu quận tiến hành bóc lột làm nhân dân không chịu nổi; các quan lại cực kỳ hoang phí với lối sống xa hoa; tính khắc nghiệt của hình luật; và bội chi cho các dự án xây dựng (chủ yếu là chùa). Mặc dù những đều Hạ Sâm nêu lên đều là sự thật, song Lương Vũ Đế nghe không lọt tai, cực kỳ phẫn nộ và từ chối đề xuất của Hạ Sâm. Lương Vũ Đế đọc cho thái giám chép một chiếu thư quở trách Hạ Sâm, trong chiếu thư Lương Vũ Đế tự miêu tả mình là một hoàng đế hiền minh, hiếm có trong lịch sử, với đủ các đức tính cần lao và tiết kiệm, gọi các ý kiến của Hạ Sâm là hoang đường, vô căn cứ.[4]